Cách Làm Sữa Chua Cốm Thơm Ngon, Dẻo Mịn

Sữa chua cốm là một biến tấu mới lạ từ sữa chua truyền thống. Cách làm sữa chua cốm được nhiều người tìm kiếm bởi hương vị dẻo mềm của cốm hòa quyện với sữa chua béo thơm rất ngon và lạ miệng. Lưu lại công thức làm sữa chua cốm đơn giản từ Bartender.edu.vn ngay sau đây nhé!

Sữa chua cốm là món ăn vặt gây nghiện

Sữa chua cốm là món ăn vặt gây nghiện được giới trẻ yêu thích. Ảnh: Internet

Cốm là thức quà thơm thảo làm xao xuyến lòng người mỗi dịp thu về. Những món ngon từ cốm rất đa dạng, có thể kể đến như: chuối tiêu chấm cốm, chả cốm, chè cốm, xôi cốm và đặc biệt là sữa chua cốm thanh mát, rất thích hợp để giải nhiệt. Cốm hiện được bán quanh năm nên bạn không cần chờ đến mùa thu mà có thể dễ dàng mua và chế biến sữa chua cốm bất cứ lúc nào.

Nguyên liệu làm sữa chua cốm

Phần sữa chua

  • 1 lít sữa tươi không đường
  • 1 hộp sữa đặc
  • 2 hộp sữa chua cái (200g)

Phần cốm non

  • 150g cốm khô
  • 100g đường cát
  • 15g bột năng
  • Lá dứa (lá nếp)
  • Tinh chất lá dứa

Cách chọn mua cốm xanh ngon

  • Khi mua cốm, bạn hãy chú ý đến màu sắc của hạt cốm. Cốm non sẽ có màu xanh non nhạt, nếu cốm hơi ngả vàng thì có thể là cốm cũ, còn có màu xanh mướt là cốm đã tẩm màu hóa chất.
  • Chọn những hạt cốm được làm bằng hạt lúa nếp chắc, mỏng và dẻo, đặc biệt là nếp cái hoa vàng. Loại cốm này khi cắn nhẹ sẽ cảm nhận được độ dai nhẹ, bùi và thơm mát.
  • Cốm bán vào sáng sớm là cốm còn mới, ngon và thơm hơn cốm bán buổi chiều.
  • Cốm lá me (hay cốm đầu nia), là loại cốm làm từ mầm nếp non, mỏng nhẹ như lá me sẽ thơm dẻo và mềm ngọt hơn cốm rót, cốm mộc…

Cách chọn mua cốm xanh ngon

Chỉ cần một chút tinh ý và khéo léo, bạn sẽ mua được loại cốm ngon, thơm dẻo. Ảnh: Internet

Cách làm sữa chua cốm dẻo thơm ngon

Pha và ủ sữa chua

Cho sữa đặc và sữa tươi vào nồi, khuấy tan rồi bắc lên bếp đun với lửa vừa. Trong quá trình đun cần khuấy đều tay để sữa không bị khét.

Khi hỗn hợp sữa ấm nóng và bốc hơi nhẹ thì tắt bếp. Đợi sữa nguội về khoảng 40 độ C thì cho sữa chua cái vào, khuấy nhẹ nhàng để hỗn hợp hòa quyện.

Đậy nắp nồi sữa lại rồi đem đặt vào thùng xốp để ủ. Bạn rót nước nóng vào thùng sao cho nước cao khoảng 1/2 nồi sữa. Đậy kín nắp thùng và ủ từ 7 – 8 tiếng.

Ngoài cách ủ bằng thùng xốp, bạn có thể cho hỗn hợp sữa vào nồi cơm điện, đóng nắp nồi và để yên khoảng 8 tiếng là sữa chua lên men dẻo mịn.

làm sữa chua đơn giản

Cách làm sữa chua đơn giản, dẻo mịn. Ảnh: Internet

Nấu chè cốm

Lá dứa rửa sạch, buộc gọn lại rồi cho vào nồi đun cùng với 480ml nước lọc, thêm vào một chút muối ăn để tạo vị đậm đà. Khi nước sôi, hạ nhỏ lửa và đun thêm khoảng 5 phút để lấy được hương thơm từ lá dứa.

Tiếp đến, vớt bỏ lá dứa rồi cho vào nồi 100g đường cát, khuấy đều. Khi đường tan hết thì thêm vào vài giọt tinh chất lá dứa để tạo màu.

Hòa tan bột năng với một ít nước trong chén, cho từ từ hỗn hợp bột năng vào nồi để tạo độ sánh sệt cho món chè cốm. Khi bột năng chín và trong lại thì cho cốm khô đã rửa sạch vào, tiếp tục khuấy đều trên lửa nhỏ đến khi chè cốm vừa sôi lại thì tắt bếp.

Chi tiết các bước nấu chè cốm

Chi tiết các bước nấu chè cốm. Ảnh: Internet

Đổ vào hũ và làm lạnh

Đợi chè cốm nguội hoàn toàn thì chia đều vào các hũ nhỏ, sau đó cho sữa chua thành phẩm lên trên. Đậy nắp hũ và đem sữa chua cốm đặt vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 1 ngày để làm lạnh.

Đợi chè cốm nguội rồi mới rót sữa chua vào

Đợi chè cốm nguội rồi mới rót sữa chua vào. Ảnh: Internet

Thành phẩm

Sữa chua cốm đã lạnh thì bạn lấy ra, trộn đều rồi thưởng thức. Nếu thích ăn sữa chua đánh đá, bạn cho đá bào vào ly, thêm vào 1 hũ sữa chua cốm rồi rưới một ít sữa đặc lên trên là có thể dùng ngay.

Cốm dẻo mềm, ngọt dịu kết hợp với sữa chua thanh mát, béo ngậy đảm bảo bạn sẽ khó quên hương vị độc đáo của món ăn này đấy.

Chè cốm thơm hòa quyện cùng sữa chua

Chè cốm thơm hòa quyện cùng sữa chua thanh mát tạo nên vị ngon mới lạ. Ảnh: Internet

Cách bảo quản sữa chua cốm

  • Sữa chua sau khi làm xong nên đặt vào ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ từ 3 – 6 độ C để làm chậm quá trình lên men.
  • Không nên để sữa chua cốm ở ngăn đá vì sẽ khiến cốm bị cứng, khi ăn sẽ không còn độ dẻo mềm đặc trưng.
  • Dù bảo quản trong tủ lạnh bạn cũng nên sử dụng hết sữa chua cốm trong vòng 5 ngày, để quá lâu có thể khiến thành phẩm không còn thơm ngon và giảm giá trị dinh dưỡng.
  • Nên đựng sữa chua trong các loại hộp/hũ chất lượng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Một số lưu ý khi làm sữa chua cốm

  • Sữa chua cái cần để ở nhiệt độ phòng cho hết lạnh hoàn toàn trước khi cho vào hỗn hợp sữa.
  • Tiệt trùng các dụng cụ làm sữa chua để loại bỏ các vi khuẩn khiến sữa chua bị tách nước hay chảy nhớt.
  • Không xê dịch nồi hay thùng ủ trong suốt quá trình ủ sữa.
  • Cốm rất dễ nát, vì vậy khi nào nấu bạn hãy đem cốm đi rửa. Nếu dùng cốm tươi thì không cần rửa mà cho vào nấu luôn. Không đun cốm quá lâu vì khi nguội cốm sẽ nở ra thêm.
  • Nếu không thích sử dụng tinh chất lá dứa, bạn xay nhuyễn lá dứa với nước, sau đó lọc lấy nước cốt lá dứa để cho vào chè cốm tạo mùi thơm và màu sắc tự nhiên.

Sữa chua cốm là sự kết hợp tuyệt vời không chỉ mang tới một món ăn ngon, mát mà còn tốt cho tiêu hóa, làm đẹp da… Hy vọng với cách làm sữa chua cốm mà bài viết cung cấp đã giúp bạn biết thêm một món ăn vặt mới, bổ sung vào thực đơn tráng miệng của gia đình hoặc kinh doanh kiếm thêm thu nhập.

Tiếp theo, mời bạn tham khảo bài viết cách làm sữa chua dưa hấu tại website của chúng tôi ngay nhé.

Tác giả: Hiền Đỗ

Đỗ Hiền đã từng nắm giữ vị trí quản lý tại một Nhà hàng, Khách sạn nổi tiếng. Với mong muốn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong quá trình làm việc cho các bạn trẻ có cùng đam mê pha chế đồ uống, Đỗ Hiền đã và đang là cộng tác viên tại website Bartender.edu.vn.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn